Cưới hỏi là một nghi lễ không thể thiếu tại bất kỳ quốc nào trên thế giới. Tùy thuộc vào phong tục tập quán của mỗi nước, mỗi vùng miền mà ở đó người ta có những cách tổ chức lễ cưới khác nhau. Cưới hỏi từ lâu đã là một nét văn hóa đẹp, mang đậm bản sắc của Việt Nam.
![]() |
Trầu cau không thể thiếu trong đám cưới Việt |
Lễ cưới hay đám cưới là một phong tục
văn hóa trong hôn nhân nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận của xã
hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân. Với ý nghĩa này, lễ này còn
gọi là lễ thành hôn. Trước đây, người Việt gọi lễ này là lễ rước dâu.
Trong tâm thức người Việt thì lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng
nhận đăng ký kết hôn. Sự quan tâm lớn của xã hội vào buổi lễ này đôi khi
gây sức ép lên những người tổ chức: họ phải đảm bảo để có thể làm hài
lòng nhiều người tham dự. Trước đây, trong lễ cưới Việt Nam, những người
tham dự thường đem tặng các đồ mừng đám cưới. Quà cưới thường trang
trọng, được bọc giấy điều. Trong đám cưới, ban lễ tân (thường là người
thân) đứng ra nhận quà mừng. Có những đám cưới tổ chức tiệc trà, đơn
giản hơn tiệc cưới thông thường, có ý không yêu cầu người tham dự mang
quà mừng. Còn ngày nay, chỉ với những bạn bè thân thiết của cô dâu và
chú rể mới tặng quà cưới cho hai người và ông bà bố mẹ với những người
thân trong họ hàng, trao quà cưới làm của hồi môn cho đôi tân giai nhân.
Còn lại tất cả khách mời đều mừng bằng phong bì tiền, và đó là cách đơn
giản gọn nhẹ nhất, cũng tiện nhất và hợp ý của người tổ chức.
Ngày nay, một số lễ được lược bỏ bớt
hoặc lồng ghép để tránh sự rườm rà trong tổ chức, các lễ chính còn giữ
lại chủ yếu gồm: Lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới, có nơi có hoặc bỏ lễ
lại mặt và chỉ với những cô dâu chú rể trong gia đình khá giả, có điều
kiện thời gian và công việc cho phép thì mới tổ chức được tuần trăng mật
sau cưới. Và mùa cưới thường được chọn vào dịp cuối năm, bắt đầu từ
tháng 8 âm lịch cho đến sang đầu năm mới, mùa cưới vẫn còn được tổ chức
vào dịp đầu xuân. Tiệc cưới cũng có sự thay đổi, thay vì tổ chức ở cả
hai nhà và chọn giờ đi rước dâu thì nay cùng đặt tiệc tổ chức tại một
nhà hàng, khách sạn để tiện cho việc tiếp khách, đơn giản một số thủ tục
và hai bên gia đình không phải lo nghĩ về khâu tổ chức cũng như trang
trí nữa vì đã có nhà hàng, khách sạn lo chu tất.
Đó là đối với các gia đình khá giả ở các
thành phố lớn, còn ở các tỉnh lẻ hay vùng nông thôn, tiệc cưới vẫn giữ
nếp xưa: bạn bè được mời đến ăn trầu uống nước tối hôm trước, hôm sau là
ăn cỗ cưới và dự lễ đón dâu, có nơi còn tổ chức nhảy múa, ca hát rộn
ràng, tưng bừng mừng cho lễ cưới.
Dù tiệc cưới có thay đổi để phù hợp với
cuộc sống mới, một số những thủ tục trong lễ cưới vẫn được giữ và tổ
chức trang trọng, đó là lễ trải chiếu, lễ gia tiên, lễ trao nhẫn cưới,
trao của hồi môn, … Người Việt Nam rất coi trọng gia phong và những lễ
nghi truyền thống, người Việt Nam thường quan niệm về cuộc sống yên vui
hạnh phúc, gặp nhiều may mắn là phải theo những lễ nghi truyền thống đó
để có được sự an lành về sau.